Từ khi phát hiện ra kháng sinh penicillin năm 1928 bởi Alexander Fleming
đến nay, hàng trăm loại kháng sinh và các thuốc tương tự đã được phát minh và đưa vào sử dụng. Sự ra đời của kháng sinh đã đánh dấu kỷ nguyên phát triển mới của y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn
Ngoài vai trò trong y học đối với loài người, thuốc chống vi khuẩn còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất. Kết quả của việc tiếp xúc liên tục với thuốc chống vi khuẩn, tỷ lệ vi khuẩn kháng trong phân của các động vật tương đối cao.
Sử dụng kháng sinh có lợi ích to lớn trong điều trị, chăm sóc người bệnh và cả thú y khi được kê đơn và điều trị đúng. Tuy nhiên, những loại thuốc này đã được sử dụng rộng rãi, kéo dài, lạm dụng, làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả. Tình trạng kháng thuốc không chỉ là mối lo ngại của các bác sỹ lâm sàng trong điều trị mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội đối với sức khỏe cộng đồng.
Đề kháng kháng sinh thường xảy ra khi các loại nhiễm khuẩn như vi khuẩn, vi nấm phát triển khả năng chống lại thuốc được sử dụng để tiêu diệt chúng. Điều này có nghĩa là các loại nhiểm khuẩn này không bị tiêu diệt và chúng vẫn tiếp tục phát triển gây bệnh cho con người.
Sự mắc bệnh nhiễm khuẩn gây ra bởi các tác nhân đã đề kháng với kháng sinh rất khó và hầu như không có khả năng điều trị. Trong hầu hết các trường hợp bệnh nhân mang vi khuẩn, vi nấm đã đề kháng với kháng sinh thường phải nằm viện dài ngày, chi phí điều trị cao và tác dụng bất lợi do điều trị hoặc do thuốc cũng cao hơn so với bệnh nhân bình thường.
Sự đề kháng kháng sinh có đáng lo ngại?
Đề kháng kháng sinh tác động bất lợi rất lớn trong mọi trường hợp của cuộc sống, từ những chuyên gia sức khoẻ cho người, cũng như các bác sĩ thú y và các nhà nông nghiệp.
Tại Mỹ, mỗi năm có ít nhất 2 triệu người bị nhiễm khuẩn với các vi khuẩn đã đề kháng kháng sinh và ít nhất 23,000 người tử vong do vi khuẩn đề kháng kháng sinh.
Theo số liệu báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh,… về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh giai đoạn 2008 – 2009 cho thấy: năm 2009, 30 – 70% vi khuẩn gram âm đã kháng với cephalosporin thế hệ 3 và thế hệ 4, gần 40-60% kháng với aminoglycosid và fluoroquinolon. Gần 40% chủng vi khuẩn Acinetobacter giảm nhạy cảm với imipenem.
Theo kết quả “Tìm hiểu thực trạng sử dụng kháng sinh trong nhiễm khuẩn bệnh viện tại các đơn vị điều trị tích cực ở một số cơ sở khám, chữa bệnh” cho thấy 4 chủng vi khuẩn phân lập được nhiều nhất là Acinetobacter spp, Pseudomonas spp, E.coli, Klebsiella spp. Tần xuất nhiễm Acinetobacter spp. hay Pseudomonas spp. chiếm tỷ lệ ưu thế (>50%) trong viêm phổi bệnh viện (thở máy hay không thở máy). 4 chủng này đều là vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Sự kháng thuốc cao đặc biệt ở nhóm cephalosporin thế hệ 3, 4 (khoảng từ 66-83%) tiếp theo là nhóm aminosid và fluoroquinolon tỷ lệ kháng xấp xỉ trên 60%.
Thật không may mắn cho con người là không ai có thể hoàn toàn tránh được nguy cơ của việc đề kháng kháng sinh, nhưng một số người lại có yếu tố nguy cơ nhiễm vi khuẩn đề kháng kháng sinh cao hơn người khác (ví dụ những người mắc bệnh mạn tính). Nếu kháng sinh mất hoặc giảm tác dụng, và dẫn đến chúng ta sẽ mất khả năng điều trị nhiễm khuẩn và sức khoẻ của cộng đồng sẽ bị đe doạ do bệnh nhiễm khuẩn.
Tổng quan về dòng thời gian sự đề kháng và kháng sinh giới thiệu:
Hiện nay, kháng thuốc không phải là vấn đề mới, nhưng đã trở nên nguy hiểm, cấp bách, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh. Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) nhận định, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.
Tác giả
Ths.DS. Đặng Xuân Phước
Trung tâm dược học lâm sàng và kinh tế y tế
Phone: 0853775750
Email: contact@licinpharm.edu.vn
Tài liệu tham khảo
Bộ y tế, kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, QĐ số 2174/QĐ-BYT 2013
https://www.cdc.gov/drugresistance/about.html