Bệnh tay, chân, miệng là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh thường gây sốt, đau ở miệng và phát ban tại tay, chân. Thông thường bệnh tự hết sau 1 hoặc 2 tuần nhiễm bệnh. Rửa tay thường xuyên và kiểm soát nhiễm khuẩn tốt sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh tay, chân, miệng là bệnh truyền nhiễm được gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau. Bệnh thường hiện diện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 5 tuổi vì ở trẻ nhỏ hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh để có khả năng tự bảo vệ bởi các tác nhân bên ngoài. Tuy nhiên, trẻ lớn hơn 5 tuổi và người lớn cũng có thể bị mắc bệnh này. Và bệnh thường bị mắc vào mùa xuân, mùa hè và mùa thu.
Ở nước ta, trong 5 năm trở lại đây bệnh xuất hiện tại miền Nam Việt Nam với số lượng mắc ngày càng cao và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em. Riêng năm 2011 và đầu năm 2012 bệnh xảy ra nhiều tỉnh ở miền Trung như Bình Thuận, Nha Trang, Tuy hòa, Quãng Ngãi, Đà Nẳng, Huế với số lượng mắc ngày càng cao và đều đã có tử vong. Theo Cục Y tế dự phòng, năm 2011, cả nước có 110.890 ca mắc tay chân miệng ở 63 tỉnh thành và có 169 trường hợp tử vong. Năm 2012, bệnh tay chân miệng có số mắc đứng thứ hai và số chết đứng thứ ba trong số 10 bệnh truyền nhiễm có số mắc và chết cao ở Việt Nam. So với các nước khác trong khu vực, Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng là 123,9 ca/100.000 dân, đứng thứ tư sau Nhật, Singapore và Macau.
Thống kê mới nhất từ Bộ Y tế cho thấy, trong tháng 9/2018, trên cả nước đã ghi nhận hơn 12.200 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 42.700 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tại 63 tỉnh, thành phố.
Triệu chứng của bệnh tay, chân, miệng:
Các triệu chứng thường biểu hiện như:
- Sốt
- Suy giảm sự thèm ăn (biếng ăn)
- Đau họng
- Cảm giác mệt mỏi
- Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm
Các triệu trên thường xuất hiện theo giai đoạn, không xuất hiện cùng một thời điểm và một số bệnh nhân có thể không biểu hiện tất cả các triệu chứng cơ năng trên.
Bệnh tay, chân, miệng nghiêm trọng?
Bệnh tay, chân, miệng thường không nghiêm trọng. Bệnh thường cấp tính, nhẹ và thường tự hết sau 7 – 10 ngày mắc bệnh mà không cần điều trị.
Hiếm khi những người mắc bệnh có thể chuyển các biến chứng như viêm màng não do virus (triệu chứng sốt, đau đầu, cứng cổ, yếu ớt, buồn ngủ,..), viêm cơ tim, phù phổi cấp và phải nhập viện để xử lý kịp thời tránh tử vong.
Bệnh tay, chân, miệng có lây nhiễm?
Bệnh tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là Coxsackievirus A16 (CA16). Bệnh cũng có thể do một số tác nhân khác như Enterovirus 71 (EV71); Coxsackieviruses A (CA) 5, 7, 9, 10 và Coxsackieviruses B 2 và 5.
Các virus gây bệnh được tìm thấy trong:
- Dịch tiết của mũi, họng như dịch nước bọt, dịch đờm, dịch từ mũi,..
- Các dịch mủ nước
- Phân.
Bệnh lây nhiễm từ người qua người do:
- Tiếp xúc: hôn, ôm hoặc sử dụng chung đồ uống, thức ăn,..
- Tiếp xúc dịch do ho, hắt hơi, xì mũi,..
- Tiếp xúc với dịch bỏng nước
- Va chạm, tiếp xúc với bề mặt hoặc dụng cụ có chứa virus gây bệnh
Bệnh dễ lây nhiễm ở những ngày đầu bệnh nhân mang mầm bệnh, tuy nhiên, sự lây nhiễm cũng có thể xảy ra ở những tuần đầu mới hết bệnh ở bệnh nhân. Một số bệnh nhân, đặc biệt người lớn, có thể không có triệu chứng của bệnh tay, chân, miệng nhưng cũng có thể gây ra sự lây nhiệm cho virus cho người khác. Do đó, bạn nên duy trì thực hành tốt nhiễm khuẩn như rửa tay thường xuyên với xà bông và nước để phòng tránh sự lây nhiễm.
Các biến chứng của bệnh tay, chân, miệng?
Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não.
– Rung giật cơ (myoclonic jerk, giật mình chới với): Từng cơn ngắn 1-2 giây, chủ yếu ở tay và chân, dễ xuất hiện khi bắt đầu giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa.
– Ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược.
– Rung giật nhãn cầu.
– Yếu, liệt chi (liệt mềm cấp).
– Liệt dây thần kinh sọ não.
– Co giật, hôn mê là dấu hiệu nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn.
– Tăng trương lực cơ (biểu hiện duỗi cứng mất não, gồng cứng mất vỏ)
Biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch.
– Mạch nhanh > 150 lần/phút.
– Thời gian đổ đầy mao mạch chậm trên 2 giây.
– Da nổi vân tím, vã mồ hôi, chi lạnh. Các biểu hiện rối loạn vận mạch có thể chỉ khu trú ở 1 vùng cơ thể (1 tay, 1 chân,…)
– Giai đoạn đầu có huyết áp tăng (HA tâm thu: trẻ dưới 1 tuổi ≥ 110 mmHg, trẻ từ 1-2 tuổi ≥ 115 mmHg, trẻ trên 2 tuổi ≥ 120 mmHg), giai đoạn sau mạch, huyết áp không đo được.
– Khó thở: Thở nhanh, rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản, thở nông, thở bụng, thở không đều.
– Phù phổi cấp: Sùi bọt hồng, khó thở, tím tái, phổi nhiều ran ẩm, nội khí quản có máu hay bọt hồng.
Liệu pháp điều trị cho bệnh tay, chân, miệng?
Hiện không có liệu pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh tay, chân, miệng; chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm)
Nếu bệnh nhân sốt, đau có thể sử dụng một số thuốc cho kiểm soát sốt và đau như: paracetamol, NSAID (ibuprofen, naproxen,..).
Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, cho bệnh nhân uống đủ nước, dịch để đảm bảo điện giải.
Theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng
Vệ sinh răng miệng, nghỉ ngơi, tránh kích thích, tiếp xúc với môi trường ngoài,..
Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8 – 10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. Và cần tái khám ngay khi có dấu hiệu như:
- Sốt cao ≥ 390C
- Thở nhanh, khó thở
- Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều
- Đi loạng choạng
- Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh
- Co giật, hôn mê
Phòng bệnh tay, chân, miệng?
Hiện chưa có vaccin phòng bệnh đặc hiệu. Do đó, áp dụng các biện pháp phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
Phòng bệnh ở cộng đồng:
– Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).
– Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.
– Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
– Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh./.
Tác giả
Ths.DS. Đặng Xuân Phước
Trung tâm dược học lâm sàng và kinh tế y tế
Phone: 0853775750
Email: contact@licinpharm.edu.vn
Tài liệu tham khảo
Thái Quang Hùng, nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học bệnh tay chân miệng tại tỉnh đắk lắk và các yếu tố liên quan đến tính mạng nặng của bệnh, luận án tiến sĩ y học, trường đại học Huế.
Ngô Thị hoa, Phạm Thị Minh Khoa, Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị bệnh tay chân miệng do Enterovirus 71 tại Khoa Nhi Bệnh viện Trung ương Huế năm, 2012.
Bộ y Tế, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay – chân – miệng, QĐ số 2554 /QĐ-BYT ngày 19 tháng 07 năm 2011.
https://www.cdc.gov/features/handfootmouthdisease/index.html